Tôi có một cô bạn, cứ cách hai ba hôm là lại kể lể oán trách chồng, thường hay đem chuyện gia đình mình ra cho mọi người xét xử công khai, cảm giác như chỉ khi mọi người cùng nhau chửi mắng chồng cô ấy thì cô ấy mới có thể hả giận. Nhưng mỗi lần như vậy xong, tình trạng hôn nhân của cô ấy càng trở nên tồi tệ hơn.
Oán trách nửa kia của mình, không bao giờ có hồi kết
Bạn tôi vẫn không ngừng kể lể với tôi, than phiền với tôi, nội dung than phiền không gì khác, chỉ xoay quanh vấn đề chồng cô ấy rất vô dụng, không chu đáo, không hiểu cô ấy đang nghĩ gì, luôn không để tâm đến cô ấy, mỗi ngày cô ấy ở bên cạnh chồng rất mệt mỏi.
Tôi hỏi: “Chồng cô vô dụng chỗ nào? Không chu đáo chỗ nào?”.
Cô ấy nói: “Mỗi ngày đi làm về là ngồi lì xem tivi, nếu không thì chơi game, không nói gì với tôi cả, cũng không chăm con, rốt cuộc trong mắt anh ấy có vợ và con không hả?”.
Tôi lại hỏi: “Vậy trước giờ chồng cô đều không chăm con hả?”.
Cô ấy nói: “Chồng tôi tắm cho các con, và ngày nghỉ thỉnh thoảng cũng đưa chúng nó đi chơi”.
Thật ra, nếu nghĩ lại thì người chồng này cũng không phải là quá tệ, ít ra anh ta còn tắm cho các con và đưa các con đi chơi, cũng được xem là một người chồng biết chăm con.
Tôi rất muốn nói với cô ấy rằng: Thật ra nếu như có thể tưởng tượng chồng mình là một Oppa Hàn Quốc nào đó mà cô ấy luôn mê mẩn thì có lẽ tâm trạng sẽ dễ chịu hơn một chút. Tìm một thời điểm thích hợp để nói chuyện với nhau dù sao vẫn tốt hơn là tức giận và oán trách.
Nếu đổi lại là tôi, tôi sẽ chờ đến lúc tâm trạng của chồng mình thật tốt, ví dụ như ngày nghỉ khi đưa con đi ra ngoài chơi, lúc đó sẽ tìm cơ hội để nói chuyện. Lúc đầu tôi có thể sẽ không trực tiếp hỏi anh ấy rằng tại sao mỗi ngày tan làm về là chỉ xem tivi hoặc chơi game? Có thể tôi sẽ hỏi dạo này tâm trạng của anh thế nào, công việc và đồng nghiệp ra sao?
Đàn ông không phải tự dưng vô duyên vô cớ mà trở nên im lặng, trừ phi người đó bẩm sinh đã không thích nói chuyện. Nếu không phải thông thường họ chơi game hoặc xem tivi như một cách buông thả và trốn tránh, rất có thể ngày thường họ có quá nhiều áp lực hoặc là có chuyện buồn phiền. Đừng vội vàng quả quyết và oán trách, tìm ra lý do quan trọng hơn là tức giận và trách móc.
Tăng thêm chủ đề nói chuyện chung giữa vợ chồng, trao đổi suy nghĩ của nhau
Ví dụ như tôi muốn mình và chồng có cùng một chủ đề nói chuyện, tôi sẽ mời anh ấy cùng xem phim Hàn với tôi, vừa xem vừa hâm nóng lại cảm giác yêu, sẵn tiện hỏi anh ấy có nhớ ngày xưa cả hai đã từng làm những chuyện gì không? Bạn tưởng tượng xem, hai người cùng sống chung một nhà, nếu như cứ duy trì trạng thái ai làm việc nấy, thì cả hai sẽ ngày một xa cách.
Thỉnh thoảng tìm một số chuyện cho cả hai cùng làm, giúp cả hai gia tăng cảm giác thân mật, tăng mức độ thảo luận trao đổi, để chồng bạn biết rằng bạn cần sự quan tâm và tương tác. Bởi vì đàn ông không thể lúc nào cũng hiểu được suy nghĩ của phụ nữ.
Trước đây tôi và chồng tôi cũng có một thời gian rất lạnh nhạt, khi đó anh ấy thường hay bị bệnh, và trở nên ít nói hơn. Lúc đầu tôi đều để hết trong lòng không nói ra, nhưng tôi lại không có đủ kiên nhẫn đối với mấy chuyện này, cũng không thể để trong lòng buồn bực mà không hỏi. Vài ngày sau trước khi đi ngủ tôi đã thẳng thắn nói chuyện với anh ấy, thì ra là vì thời gian này anh ấy thường xuyên mất ngủ, ngủ không ngon vì vậy mới trở nên ít nói hơn.
Bạn thấy đó, phụ nữ cứ thấy đàn ông trở nên ít nói là lại nghĩ theo chiều hướng xấu, ví dụ như sợ anh ấy thay lòng, có người phụ nữ khác hay gì đó. Nhưng trên thực tế, có lẽ đàn ông vốn dĩ không nghĩ ngợi gì cả, đơn giản chỉ là vì mệt mỏi, ngủ không ngon mà thôi.
Vì vậy khi gặp phải những trường hợp như vậy, thay vì bực tức trong lòng, suy đoán lung tung thì chi bằng trực tiếp hỏi cho rõ ràng còn hơn.
Muốn vợ chồng hòa hợp với nhau chỉ cần có trí tưởng tượng cộng với sự bao dung
Trí tưởng tưởng ở đây chính là tưởng tượng diễn viên chính trong phim Hàn thành chồng mình, anh ấy chỉ thể hiện sự dịu dàng và nhiệt với một mình bạn mà thôi. Chính là cảm giác này, khi bạn có thể tưởng tượng người đàn ông bên cạnh mình thành người đàn ông tốt nhất trên đời này, thì sự hòa hợp giữa vợ chồng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Cũng như ngày xưa khi yêu nhau cuồng nhiệt, lúc nào bạn cũng thấy đối phương rất hoàn hảo, chẳng phải lúc đó anh ấy chính là thần tượng của bạn hay sao? Người đàn ông bên cạnh bạn hiện giờ, chính là người đàn ông mà lúc đầu bạn cho là tốt nhất, phải lấy cho bằng được. Vậy tại sao sống với nhau lâu rồi, chúng ta lại mất đi trí tưởng tượng và sự bao dung hả?
Nếu như lúc nào cũng nghĩ đối phương là một người xấu xa nhất, nhìn thấy là chướng mắt, thì chắc chắn anh ấy sẽ tự nhiên trở thành người xấu trong mắt bạn, không cãi nhau mỗi ngày mới lạ.
Phóng to cái tốt của đối phương và quên đi khuyết điểm của đối phương
Giống như chồng tôi bằng lòng giúp tôi làm việc nhà, tôi liền cho rằng cái tốt của anh ấy có thể vượt qua vô số lần không tốt, và tôi rất dễ dàng cảm thấy hài lòng. Phải học cách phóng to cái tốt của đối phương, thì sống chung với nhau mới thoải mái nhẹ nhàng.
Chồng tôi là một người rất nóng tính, và rất thiếu kiên nhẫn, nhiều khi thời tiết nóng quá khiến anh ấy đổ mồ hôi là anh ấy cũng cảm thấy không vui. Mà mỗi lần anh ấy khó chịu với tôi, cách xử lý của tôi chính là lạnh nhạt, nhưng đây thực sự không phải là một chuyện dễ dàng.
Trước đây khi lần đầu xảy ra xung đột với anh ấy, tôi phát hiện anh ấy rất dễ bị kích động, khi kích động thì rất dễ mất đi lý trí. Sau vài lần như vậy tôi quyết định đổi chiến thuật, càng không đả động đến anh ấy, càng để mặc anh ấy tỏ thái độ thì anh ấy lại càng sợ.
Thông thường, sau một giấc ngủ dậy là tôi sẽ quên sạch những chuyện cãi cọ với chồng mình, nếu như lần nào cũng nhớ những chuyện anh ấy khiến mình tức giận hay không vui thì chắc là tôi đã bị tức chết lâu rồi. Đây cũng là ưu điểm của tôi, dễ dàng quên đi khuyết điểm của đối phương.
Làm dịu cảm xúc, đợi một lát mới nói tiếp
Ngoài ra, tôi và chồng tôi còn thường xuyên xảy ra một số chuyện rất thú vị, ví dụ như có nhiều lúc anh ấy tức giận, tôi lại không hay biết. Có một lần anh ấy xông thẳng đến trước mặt tôi, nói xong vài câu thì liền bỏ đi. Tôi nghĩ thầm, anh ấy vội vào nhà vệ sinh sao? Không ngờ mười phút sau, anh ấy lại chạy đến nói với tôi lý do tại sao lúc nãy anh ấy tức giận, tôi mới nói một cách rất tỉnh: “À, lúc nãy em tưởng là anh đang mót chứ!”, anh ấy nghe xong cũng không nhịn được cười, thái độ cũng dịu đi rất nhiều.
Có nhiều lúc, anh ấy thường nói những lời quá đáng với tôi, hoặc là tỏ thái độ khó chịu với tôi, lúc đó tôi chỉ cảm giác có gì đó không ổn thôi. Nhưng đợi đến khi tôi tỉnh ngộ ra rằng anh ấy như vậy là không được chút nào, thì trên thực tế đã hai ngày trôi qua rồi. Tôi nói với anh ấy: “Mấy hôm trước anh có vẻ hơi quá đáng rồi đó”, lúc này tâm trạng của anh ấy đã không còn khó chịu nữa rồi, anh ấy giải thích với tôi một cách vui vẻ.
Chồng tôi thường nói rằng anh ấy rất ngưỡng mộ tinh thần thép của tôi, có thể hóa chuyện lớn thành chuyện nhỏ, cái gì cũng không quá để bụng, mà lại còn sống rất thỏa mãn. Về sau tôi phát hiện ra rằng chính nhờ có tinh thần thép như vậy tôi mới có thể dễ dàng hòa hợp được với chồng mình. Khi cãi nhau, nếu như cả hai đều hành sự theo cảm xúc thì sẽ vô tình biến chuyện nhỏ thành chuyện to. Mà tôi và chồng tôi rất ít có những trận cãi vã to, bởi vì tôi luôn phản ứng rất chậm, đến khi nhớ ra muốn tìm anh ấy tính sổ thì chuyện đã trôi qua mấy ngày rồi.
Khi cãi nhau, cũng phải bù đắp tính cách của nhau
Nếu như tôi là người bị chọc giận đến mức muốn cãi nhau, thì tôi luôn dùng trí tưởng tượng của mình để nói với mình rằng: “Chồng nhà người ta cũng chưa chắc bằng được chồng mình, biết làm việc nhà lại rất chu đáo với mình, như vậy là đã rất tốt rồi”, nghĩ xong tôi cũng nguôi giận luôn.
Vì vậy, nhất định phải nghĩ chồng mình là người tốt nhất, như vậy bạn sẽ không hay oán trách, không hay cãi nhau. Đương nhiên đây cũng không phải là chuyện có thể làm được hoặc thay đổi trong một sớm một chiều, tôi và chồng tôi cũng phải trải qua rất nhiều lần xung đột mới có thể hòa hợp. Sau khi hiểu rõ tính cách của anh ấy rồi, tôi mới có thể điều chỉnh cách ứng phó như vậy.
Lúc đầu khi tôi và chồng tôi có quan điểm khác nhau, ví dụ như thói quen tiêu tiền và việc mua nhà trước hay mua xe trước. Chúng tôi từng cãi nhau rất to với chuyện đó, chồng tôi còn tức giận đến mức bỏ đi khỏi nhà. Sau vài lần như vậy, tôi bình tĩnh suy nghĩ, phát hiện đây không phải là cuộc hôn nhân mà tôi mong muốn, cũng không phải là môi trường gia đình thích hợp cho con cái trưởng thành. Vì vậy tôi đã sửa đổi cách thức trao đổi giữa tôi và anh ấy. Anh ấy nói thêm vài câu, tôi sẽ nói bớt lại vài câu, anh ấy lớn tiếng thì tôi im lặng. Cãi nhau cũng cần phải biết cách bù đắp qua lại thì mới không thể cãi tiếp.
Đạo vợ chồng là phải quan tâm cho nhau, bao dung cho nhau mới là điều quan trọng
Nhớ kỹ, hôn nhân là phải hòa hợp, tuyệt đối không tranh cãi với người đang tức giận. Bởi vì sẽ không ai nghe lọt tai cả, lúc này không cần bắt ép đối phương phải nghe lọt tai những gì mình nói. Dù sao khi cãi nhau thì không ai nói ra những lời dễ nghe cả, thông thường tôi phải chờ anh ấy nguôi giận nửa ngày hoặc một ngày rồi, tâm trạng bình tĩnh trở lại rồi tôi mới nói chuyện đàng hoàng với anh ấy.
Mà từ lúc kết hôn đến bây giờ, số lần nổi nóng của anh ấy bắt đầu giảm bớt đi rồi, bởi vì cãi nhau chính là muốn nhìn thấy phản ứng của đối phương, phản ứng của bạn càng mãnh liệt, anh ấy sẽ càng muốn cãi nhau với bạn. Ngược lại, nếu như bạn rất bình tĩnh, đối phương sẽ không thể nào cãi tiếp nữa.
Vận dụng thời điểm trao đổi một cách linh hoạt để tránh những thái độ không tốt và sự xung đột trực diện
Tôi thường nghĩ rằng hôn nhân không phải là nấm mồ của tình yêu mà là một bài kiểm tra, sau khi bước vào hôn nhân, bài kiểm tra thực sự chính là kiểm tra sự khác biệt và khả năng bao dung của hai người. Hôn nhân hạnh phúc không phải muốn có là có thể có được, đều là phải thông qua sự tích lũy và cố gắng từng bước một mới có thể có được. Chỉ cần trong hai người có một người bằng lòng nhượng bộ, đóng vai người bao dung thì tình cảm vợ chồng tự nhiên sẽ tốt đẹp.
Đừng nghĩ rằng sự nhượng bộ của bạn không nhận được sự đáp trả, sai rồi! Sau khi bạn thay đổi thái độ của mình, đối phương chắc chắn sẽ cảm nhận được, phải biết là một tay không thể vỗ thành tiếng, thái độ của đối phương không tốt, có nhiều lúc là do thái độ của bạn cũng không tốt.
Bạn nghĩ xem, đối với một người vợ dịu dàng, người chồng có thể khắt khe được không? Khi thái độ của người chồng không tốt, chúng ta nên chỉnh sửa lại một chút, hoặc là không xung đột trực diện với anh ấy, làm một người vợ vui vẻ dịu dàng, sẽ hạnh phúc hơn làm một người vợ suốt ngày chỉ biết oán trách chồng mình. Vậy tại sao lại không làm chứ?
Theo Cmoney
Châu Yến biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét