Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Vụ hàng loạt cột điện li tâm dự ứng lực bị gãy đổ, cần xem lại toàn bộ quy trình?

Vụ hàng loạt cột điện li tâm dự ứng lực bị gãy đổ, cần xem lại toàn bộ quy trình? https://ift.tt/3cJUHQp

"Để đánh giá cột gãy thì phải xem lại lực tác động thực tế chứ căn cứ theo cấp gió thì không chính xác", đó là ý kiến của kỹ sư Thái Văn Anh - giám định viên của Incosaf tại Đà Nẵng.

Liên quan vụ hàng loạt cột điện bêtông li tâm dự ứng lực gãy đổ ở miền Trung trong cơn bão số 5 vừa qua, hôm 30/9, ông Dương Kim Ái - Giám đốc Công ty cổ phần kiểm định kỹ thuật an toàn và tư vấn xây dựng tại Đà Nẵng (Incosaf thuộc Bộ Xây dựng) đã có những nhận định về vụ việc, trích dẫn trên Zing.

Ông Kim Ái nói rằng, cột điện bị gãy liên quan đến nhiều yếu tố như thiết kế, chất lượng sản phẩm, thi công... Nếu nhà sản xuất làm đúng theo TCVN mà cột gãy khi gặp gió giật dưới cấp 11 phải xem lại bản vẽ thiết kế trụ điện.

Theo ông Ái, nhiều năm qua, đơn vị đã được Công ty TNHH Xây lắp sản xuất thương mại và điện cơ SDC (đơn vị bán cột điện cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế) mời kiểm định chất lượng cột điện bêtông ly tâm dự ứng lực. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, họ sẽ mời đơn vị kiểm định đến kiểm tra chất lượng. Đây là khâu cuối cùng để nhà sản xuất bàn giao sản phẩm. 

"Sau khi nhà sản xuất hoàn thiện các lô hàng, họ sẽ mời đơn vị kiểm định đến thử nghiệm, kiểm tra chất lượng. Chúng tôi được họ thuê làm việc này", ông Ái thừa nhận.

Ông Ái cũng thông tin việc kiểm định được thực hiện bằng phương pháp đo, thử bê tông, thử tải và quan sát, do các giám định viên của Incosaf thực hiện độc lập.

Là một trong những người trực tiếp đến hiện trường kiểm định, kỹ sư Thái Văn Anh nói việc kiểm tra chất lượng cột điện được thực hiện đúng quy định của tiêu chuẩn TCVN 5847:2016.

Tất cả vật liệu phải được lựa chọn đúng tiêu chuẩn chất lượng. Nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5847:2016.

Anh cũng cho biết, việc sản xuất cột điện phải trải qua nhiều công đoạn bao gồm thiết kế, nhập vật tư...

Trong quá trình sản xuất, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải giám sát. Sau khi sản xuất xong cột điện thì các đơn vị liên quan sẽ nghiệm thu kỹ thuật, kết cấu... theo quy định. Nhà sản xuất sẽ mời đơn vị kiểm nghiệm. 

Kỹ sư Thái cho biết, họ sẽ chọn ra một lô sản phẩm để kiểm tra, trong lô này sẽ lấy 1-2 cột bất kỳ để thử nghiệm. Đơn vị thử nghiệm sẽ đo kích thước cơ bản của cột, độ dày bê tông bảo vệ cốt thép theo TCVN 9356:2012. Giám định viên đối chiếu kết quả đo trung bình với kích thước cơ bản của cột điện để xác định mức sai lệch. Sau đó, đơn vị thử nghiệm đo khả năng chịu tải của trụ điện. Trong quá trình thử tải, nếu cột điện bị nứt vượt quá thông số cho phép (theo TCVN 5847:2016) thì lô sản phẩm sẽ bị loại.

"Incosaf chỉ cấp giấy chứng nhận cho những lô sản phẩm đạt chất lượng để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ tham gia đấu thầu. Chúng tôi sẽ báo cho chủ đầu tư, đơn vị sản xuất biết những lô hàng không đạt để không đưa vào sử dụng", kỹ sư Thái Văn Anh thông tin.

Hai chuyên gia đều bất ngờ về việc cột điện gãy đổ trong cơn bão số 5 vừa qua. Họ cho rằng cần phải có hội đồng khoa học nghiên cứu hiện trường, đánh giá lại toàn bộ quy trình. 

"Để đánh giá cột gãy thì phải xem lại lực tác động thực tế chứ căn cứ theo cấp gió thì không chính xác. Lực xoáy tác động trực tiếp vào cột cùng với việc cây đổ vào đường dây cũng là nguyên nhân. Thông thường, một cột bị đổ sẽ kéo theo nhiều trụ điện gãy", kỹ sư Anh nhận định.

Gám đốc Incosaf chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng nếu nhà sản xuất đã làm đúng theo TCVN mà cột vẫn gãy thì phải xem lại bản vẽ thiết kế trụ điện. Trong xây dựng phải có đơn vị thẩm tra, phê duyệt thiết kế. Việc cột điện bị gãy liên quan đến nhiều yếu tố như thiết kế, chất lượng sản phẩm, thi công. Incosaf chỉ tham gia ở khâu kiểm định những chỉ tiêu mà nhà sản xuất yêu cầu và không tham gia vào giám sát, thiết kế hay thi công.

Trước đó, theo Cty Điện lực TT-Huế giải thích rằng, đây là loại cột ly tâm dự ứng lực được đơn vị này sử dụng là sản phẩm chịu lực tốt, đã qua kiểm nghiệm, được đóng dấu đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Trước khi xuất xưởng, sản phẩm đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, thí nghiệm phá hủy. Loại cột này được thiết kế có khả năng chịu đựng gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế.

“Nếu loại cột này được thiết kế dùng trong phân vùng có áp lực gió là bão cấp 10, thì khả năng chịu đựng của cột là gió cấp 20”, đại diện Cty Điện lực TT-Huế nói trên báo Tiền Phong.

Lý giải về cột điện ly tâm dự ứng lực bị hư hỏng rất nhiều, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Cty Điện lực TT-Huế cho biết: Sở dĩ có tình trạng như vậy là do không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện. Cây xanh đổ ngã vào đường điện hàng loạt là nguyên nhân khiến hệ thống cột bị hư hỏng rất nhiều.

Trái với lý giải của ông Long, có những nơi giữa đồng không mông quạnh, không chịu tác động của cây xanh, cột ly tâm dự ứng lực “đạt tiêu chuẩn” cũng bị gió bão thổi đứt lìa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét