Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Mỹ nhân và hổ dữ cùng xuất hiện, người đàn ông này đã hành xử ra sao?

Mỹ nhân và hổ dữ cùng xuất hiện, người đàn ông này đã hành xử ra sao? https://ift.tt/3mnoC4w

Năm Thiệu Hưng thứ nhất của triều đại Nam Tống (1131-1162 sau Công Nguyên), có một người cầu đạo tu Tiên tên là Hoàng Phác. Ông đã vượt nghìn dặm xa xôi tới núi Vũ Di Sơn cầu tìm Thần Tiên... 

Khi đến nơi, Hoàng Phác chỉ thấy Vũ Di Sơn là một dãy núi đá cao chót vót, nước suối mát lạnh, khí màu tím lượn lờ, quang cảnh nơi đây giống với nơi bồng lai tiên cảnh vậy. Điều này khiến Hoàng Phác vô cùng vui mừng. Ông nghĩ bản thân nhất định sẽ tìm thấy vị Thần Tiên để bái làm sư phụ, một ngày kia cũng có thể tu Đạo và trở thành một vị Tiên nổi tiếng. 

Thế nhưng, sau vài ngày đi bộ khắp núi Vũ Di Sơn, Hoàng Phác vẫn không nhìn thấy một vị Tiên nào. Một hôm đang lúc hoàng hôn, trong khi đi đến gần chỗ đám mây trắng bên sườn núi, Hoàng Phác bỗng trông thấy một ngôi nhà cỏ. Cánh cửa nhà từ từ hé mở, ông nhìn vào trong thấy một đạo cô có dung mạo tuyệt đẹp từ từ bước ra. Thấy vậy, Hoàng Phác vội vàng tiến đến bái kiến và hỏi thăm về nơi có thể tìm được Thần Tiên. Đạo cô đáp: "Người phàm làm sao có thể nhìn thấy cung điện và Thần Tiên. Hiện tại trời đã tối, hãy nghỉ lại ở phòng này đêm nay, ngày mai mới tiếp tục tìm kiếm". 

Hoàng Phác là người có đạo đức và hiểu biết lễ nghi, ngay lập tức cảm thấy lời mời này không ổn nên đã thở dài cảm ơn đạo cô, rồi giải thích: "Ta sao có thể ngủ lại nhà cỏ mà chỉ có một người phụ nữ đang ở. Cô nam quả nữ sao có thể chung phòng được. Đây là việc trái với đạo đức lễ nghi, ta tuyệt đối không thể làm. Hơn nữa, hành động đó còn phá hoại danh dự của người tu Đạo. Hôm nay ta không thể tuân mệnh làm theo". 

Đạo cô lại nói tiếp: "Khu vực này có nhiều hổ, ở bên ngoài vào ban đêm vô cùng nguy hiểm, hay vẫn là vào bên trong ở đi, ta chỉ sợ ngươi bị thương". Hoàng Phác vẫn kiên quyết không bước vào nhà. Ông nhìn trời cũng đã tối, đường đi lối lại vẫn chưa quen, không thể đi được vào ban đêm nên đành ngồi ngay phía bên ngoài ngôi nhà cỏ đợi khi trời sáng. 

Vào giữa canh ba, khi ấy bầu trời tối đen như mực, thốt nhiên có tiếng hổ gầm vang lên mỗi lúc một gần. Hoàng Phác cảm giác thấy càng lúc càng giống như con hổ có thể vồ ông bất cứ lúc nào. Cuối cùng hổ cũng xuất hiện trước mặt ông, hai mắt nó trông sáng quắc trong màn đêm đen kịt. 

Ảnh: Shutterstock

Nhìn thấy cảnh tượng này, Hoàng Phác sợ hãi tới mức toàn thân run rẩy, hai chân mềm nhũn, sống lưng lạnh toát. Tiếng "Cọt kẹt!" lại vọng ra từ phía sau, cánh cửa của căn nhà cỏ đột nhiên mở hé ra. Đạo cô gọi anh với giọng điệu lo lắng: “Hãy mau vào trong để tránh hổ dữ”. 

Thế nhưng, lúc này Hoàng Phác lại không nghĩ đến tính mạng của mình. Ông biết rằng bản thân tìm đến núi non này là để cầu Đạo nên không thể vi phạm thiên lý. Ông lập tức quyết tâm không làm theo lời của đạo cô, dù chết cũng không chịu để cô nam quả nữ ở chung phòng. Và thế là, một lần nữa ông lại cự tuyệt lời mời của đạo cô. Nhắc tới cũng thật lạ, một lát sau con hổ không tiến về phía trước thêm một chút nào nữa. Cứ lặng yên như thế, một người một hổ nhìn nhau trong bóng tối cho đến khi trời sáng. 

Thời gian trôi qua không biết là bao lâu, trời càng ngày càng sáng, dáng vẻ hung mãnh của con hổ hiện ra mỗi lúc một rõ ràng, nhưng lúc này con hổ lại đột nhiên quay đầu bỏ đi. 

Sau đó, cánh cửa của căn nhà cỏ lại mở ra, đạo cô mỉm cười bước tới nói với Hoàng Phác: "Ngươi thật đúng là người có ý chí và là bậc chính nhân quân tử đáng ngưỡng mộ. Kỳ thực, động Tiên cách chỗ này không xa". Nói xong, đạo cô liền chỉ đường, nói với Hoàng Phác rằng, đi đến vị trí đầu nguồn của suối nước, tới chỗ nước sâu mà con người không bước qua được thì sẽ nhìn thấy một ông lão đốn củi. Nếu có thể thành tâm cầu xin, người này nhất định sẽ giúp đỡ. 

Cảm ơn đạo cô xong, Hoàng Phác đứng dậy đi theo hướng đường đã chỉ dẫn. Đi đến bên cạnh khu vực gọi là Vân Oa, quả nhiên Hoàng Phác nhìn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang đốn cúi. 

Ảnh chụp màn hình Sound Of Hope

Hoàng Phác biết rằng người này là một vị Thần Tiên nên đã vội vàng tiến đến bái lạy, thành khẩn cầu xin.  

Lúc đầu, ông lão đốn củi từ chối, nhưng sau vì mủi lòng trước lời cầu xin thành khẩn của Hoàng Phác nên đã đồng ý. Ông nói với Hoàng Phác: "Hãy nhắm mắt lại, nắm chặt lấy vạt áo của ta". 

Trong lòng Hoàng Phác tràn đầy vui mừng, mắt vừa nhắm lại đã cảm thấy thân thể bay bay trên không trung, tai nghe có tiếng gió thổi. Sau khi đáp xuống, mở to mắt nhìn, Hoàng Phác thấy trước mắt là cung điện cao ngất không thể tả nổi. Ông thấy một vị Tiên, đầu đội mũ quan đính ngọc bích, trên người mặc tiên bào, chân cưỡi mây, ngồi ngay ngắn trên đại điện. Vị Tiên lệnh cho người hầu hai bên dẫn Hoàng Phác vào rồi hỏi: "Ngươi là ai? Sao lại đến cung điện của ta, tốt nhất là ngươi mau trở về đi. Trở về tích nhiều công đức, làm nhiều việc thiện, thành Tiên rồi sẽ tới đây". Vị Tiên sai người thiết đãi Hoàng Phác, sau đó đưa ông trở về. 

Mặc dù nội tâm lưu luyến không muốn rời đi nhưng Hoàng Phác không còn cách nào khác. Sau khi trở về, ông nhìn lại ngọn núi và quang cảnh xung quanh thì phát hiện mọi thứ giờ đã không còn như trước nữa. Ông vô cùng kinh ngạc, trong lòng cảm thấy có chút không cam tâm nên đã vội vã chạy đến ngôi nhà cỏ để hỏi đạo cô cho rõ sự tình. Nhưng khi đến nơi, ông chỉ thấy ngọn núi hoang tàn mọc đầy cỏ tranh, ngoài ra thì không có thứ gì khác. Hoàng Phác ngộ được rằng: "Đạo cô, nhà cỏ, lão hổ đều là do vị Tiên kia biến hóa ra để thử thách mình”. 

Từ đó về sau, Hoàng Phác lại tiếp tục cuộc sống tìm Đạo lần nữa, cuối cùng đã trở thành đồ đệ của vị Thần tiên, theo lời dạy bảo của vị ấy mà tu luyện. Cuối cùng, ông đã ngồi trên Tam Ngưỡng Phong thuộc dãy Vũ Di Sơn tạ hóa. Sau này, mọi người đều nói rằng Hoàng Phác đã đắc đạo thành tiên rời đi rồi. 

Câu chuyện vân du tìm Đạo của Hoàng Phác được nhiều người biết đến. Hiện nay, tại địa điểm Vân Oa vấn trà, thuộc khu danh lam thắng cảnh của dãy Vũ Di Sơn vẫn còn lưu lại dấu tích bàn trà khắc 3 chữ rất to "Vấn tiều thai". Nghe nói, đây là nơi mà Hoàng Phác gặp được lão Tiên ông đốn củi. Khối đá khắc chữ này đã trải qua hàng nghìn năm mưa gió nhưng vẫn nằm đó, lặng lẽ kể với con người câu chuyện về Hoàng Phác không tiếc sinh mệnh để giữ vững lễ nghi đạo đức truyền thống và nhắc nhở với mọi người về tính trọng yếu của việc này.  

Theo Sound Of Hope
San San biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét