Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Vì sao người xưa dùng ‘trâu sắt gà đá’ để trấn đại hồng thủy?

Vì sao người xưa dùng ‘trâu sắt gà đá’ để trấn đại hồng thủy? https://ift.tt/3jmGyuT

Những con trâu sắt được sử dụng để trấn lũ thường dễ dàng trông thấy trên bờ hồ Hồng Trạch và sông Đại Vận ở Giang Tô trong tư thế quỳ rạp xuống, đầu ngẩng cao, hai mắt trừng lớn, vô cùng uy nghiêm. Vậy tại sao người xưa lại dùng trâu sắt để trấn áp hồng thủy?

Trước hết, trâu sắt được làm bằng kim loại nên vốn dĩ có thuộc tính Kim. Trong thuyết Ngũ hành cổ xưa có câu “Kim khắc Mộc”, mà Mộc lại hợp hướng Đông, thần thú của hướng Đông lại chính là rồng, cho nên Kim có thể khắc chế “giao long”, buộc giao long phải lẩn tránh. Giao long thường ưa thích nổi sóng gió, gây lũ lụt, trong khi “Kim” lại khiến nó phải ẩn náu, tránh được thủy tai phát sinh.

Thứ hai, trâu thuộc “Thổ”, trong sách “Giả Tử - thai giáo” nói: “Trâu chính là gia súc trung tâm”. Trung Hoa cổ đại lấy phương hướng phối hợp với Ngũ hành, cho ra “Đông Mộc, Nam Hỏa, Tây Kim, Bắc Thủy, Trung Thổ”. Mà trâu là “con vật trung tâm” nên đương nhiên thuộc Thổ, đất có thể ngăn chặn nước.

Ngoài ra, trong thần thoại Trung Quốc cổ đại, con trâu được coi là biểu tượng của trái đất và là vật dẫn của trái đất. Trong “Chu lễ - Địa cung - Đại từ đồ” có viết rằng: “Trâu có thể truyền tải mọi loài trên trái đất”. Trong thần thoại cổ của một số dân tộc, trâu chính là điểm tựa của trái đất, cả địa cầu là do trâu dùng sừng của mình chống đỡ, khi một chiếc sừng mỏi nó sẽ đổi sang chiếc sừng bên kia. Trong quá trình thay đổi điểm tựa, trái đất sẽ rung chuyển, đó chính là động đất. Tại An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc từng khai quật được đôi thú chạm khắc bằng đá cẩm thạch của triều đại nhà Yên Thương, đôi thú này chính là dựa trên khuôn mẫu của trâu. Điều này cho thấy vai trò “chống đỡ trái đất” của nó. Vì trâu là Thần thú nên được ban cho khả năng trấn áp thủy quái, chế ngự giao long.

Cách nói đúc trâu sắt có thể chống lũ lụt có lẽ bắt nguồn từ thời nhà Đường, cũng có truyền thuyết thời nhà Minh kể về Lưu Bá Ôn đã thiết lập trận pháp “chín trâu hai hổ một gà” để trấn áp hồng thủy. Đến thời nhà Thanh, không ít người tin vào cách nói này, nên đã đúc vô số trâu sắt đặt ở bờ sông để chống lũ.

Tại những khu vực ngập lụt nghiêm trọng, ngoài việc đúc trâu sắt để chống lũ, đôi khi cũng có cả những con gà trống há miệng gáy được làm từ đá. Người ta nói rằng gà trống đá cũng có thể chống lại lũ lụt. Tại sao vậy? Vì gà trống có thể mang lại cảm giác như mặt trời, là một loài động vật tràn đầy dương khí lại có linh khí. Gà trống gáy nghĩa là mặt trời mọc, trời bắt đầu hừng sáng, những thứ u ám cũng sẽ tan biến, cho nên trong dân gian, gà trống luôn là vật trấn yểm để xua đuổi tà ma. Mà lũ lụt lại do thủy quái gây nên, có tính âm, đó là lý do gà trống đá ngăn lũ lụt ra đời.

Truyền thuyết chín trâu hai hổ một gà

Thuở ban đầu, Hồng Trạch là một hồ nước phẳng lặng. Truyền thuyết kể rằng một năm nọ, một con yêu long đã đến nơi này, từ đó phá vỡ sự yên bình của hồ Hồng Trạch cũng như núi Đại Thanh bên cạnh.

Con yêu long này bay lượn trên trời như mây, rồi lại đột nhiên lao xuống nước như sương khiến mặt hồ dậy sóng, làm lật thuyền lớn, kéo đứt lưới đánh cá, thỉnh thoảng nó lại đến núi Đại Thanh tác quái khiến ngư dân và người dân xung quanh hồ vô cùng hoảng sợ, không ngừng oán thán, đêm ngày chẳng được yên.

Lão Tử thấy ác long hoành hành không ngừng, bèn hết sức khuyên giải, yêu long lại chẳng chút hối cải quay đầu, vì thế Lão Tử bèn dâng tấu lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng liền phái hai con hổ và mười con trâu nước xuống đánh yêu long. Đánh liên tục bảy bảy bốn chín ngày, yêu long đại bại, điên cuồng chạy trốn vào long cung dưới nước.

Sau đó, Ngọc Hoàng lại phái một con gà trống lớn đứng trên điểm cao nhất, nhìn thấy yêu long xuất hiện liền cất tiếng gáy, đánh thức hổ và trâu, không cho yêu long có cơ hội nổi lên sóng to gió lớn. Sau khi Lão Tử luyện đan đắc đạo thành tiên, bèn cưỡi một con trâu bay về trời. Từ đó bên hồ Hồng Trạch chỉ còn lại chín trâu, hai hổ, một gà tiếp tục bảo vệ núi rừng, bảo vệ hồ Hồng Trạch không còn gặp tai ương.

Theo truyền thuyết này, khi bức tường kè bằng đá của hồ được xây dựng, trong thời kỳ Khang Hy trị vì đã dùng gang đúc ra chín trâu hai hổ một gà, lần lượt đặt ở các vị trí trọng yếu của con đập, đến nay chỉ còn lại năm con trâu sắt, trở thành một trong những cảnh quang đáng giá của hồ Hồng Trạch.

Theo Vision Times
Quỳnh Chi biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét